Take a fresh look at your lifestyle.

Triết lý kinh doanh của ông chủ tiệm may 30 năm ở Sài Gòn

324
Chúng tôi đến với khách hàng bằng chất lượng, người này truyền tai người kia để mọi người biết đến sản phẩm của BEN. Ví dụ, bạn đi ăn phở thấy ngon và sẽ giới thiệu cho người khác đến đó.
Ảnh minh họa.
 Đó là chia sẻ của ông Hải, chủ tiệm may BEN gần 30 tuổi ở Sài Gòn. Ông Hải trả lời phỏng vấn của chúng tôi về câu chuyện kinh doanh ngót 3 thập kỷ của đời mình.
Thương hiệu BEN ra đời như thế nào thưa ông?
BEN hình thành từ năm 1988 tại Sài Gòn do tôi và một người bạn thành lập. Nghề may là nghề gia truyền của tôi, ba tôi từng là chủ tiệm may ở Đà Nẵng. Năm 1986, tôi vào Sài Gòn và làm thợ. Sau đó, năm 1988 tôi cùng một người bạn mở tiệm may BEN.
BEN tách thành 2 hệ thống độc lập từ năm 1997, cùng mang thương hiệu BEN, cũng nằm trên đường Lê Văn Sỹ. Hai người quản lý hai cửa hàng này là hai người thành lập nên thương hiệu BEN.
Khó khăn của BEN trong bối cảnh hàng nội, hàng ngoại nổi tiếng có mặt tại thị trường Việt Nam là gì?
 Thứ nhất là hàng may sẵn nhiều nhưng BEN có lợi thế là khách hàng có thể trực tiếp chọn vải để BEN đo. Như vậy, khách có thể chọn mẫu, chọn vải theo ý muốn mà không đụng hàng với các thương hiệu khác. Ví dụ, khách mua đồ Việt Tiến hay An Phước, có thể họ sẽ đụng hàng với đồng nghiệp, người thân, bạn bè nhưng đồ may, khách có thể có thiết kế, vải riêng, độc đáo. Nhiều người họ không thích đụng hàng và thích đo may trực tiếp.
Khách nước ngoài đến với cửa hàng như thế nào?
 Khách nước ngoài tới đây rất thích các mẫu của BEN. Vào dịp sau Tết, rất nhiều khách là Việt kiều. Họ may để mang ra nước ngoài và họ thích là thể hiện ngay. Tôi rất vui khi thấy họ thích sản phẩm mà BEN tạo ra.
Thời gian may một bộ vest là bao lâu? Giá cả ra sao?
 Bình thường khoảng 1 tuần nhưng nếu khách yêu cầu thì có thể là 3 ngày. Ví dụ như khách du lịch hay khách từ ngoài Hà Nội vào thì họ không thể chờ lâu.
Bộ vest nữ khoảng 3 triệu, bộ nam khoảng 6 triệu, tùy vào chất vải nữa.
Hiện BEN của ông có bao nhiêu thợ?
Khoảng hơn 10 thợ. Tôi là người trực tiếp cắt.
Mỗi ngày có khoảng bao nhiêu khách?
 Tùy theo mùa. Từ giờ là mùa cưới và sau Tết thì nhộn hơn. Sau Tết, Việt kiều may đồ để mang ra nước ngoài. Lúc này một ngày có thể có 20 khách.
 Còn tại thời điểm này, người ta may vest để cưới nhiều. Do mức sống ngày càng tăng lên nên nhiều người may vest để mặc cưới, không thuê như trước kia. Mùa hè, khách vắng nhất.
Ông nghĩ sao về marketing sản phẩm và BEN đang áp dụng phương pháp nào?
Chúng tôi đến với khách hàng bằng chất lượng, người này truyền tai người kia để mọi người biết đến sản phẩm của BEN. Ví dụ, bạn đi ăn phở thấy ngon và sẽ giới thiệu cho người khác đến đó. Ngon người ta đến ăn hoài. BEN tạo ra sản phẩm chất lượng và tạo niềm tin cho khách hàng là chính. Tôi thấy, nhiều trang quảng cáo người ta không đọc nữa. Mở TV người ta thấy quảng cáo là thấy chán rồi.
 Chiến lược cạnh tranh của BEN ra sao trong thị trường thời trang sôi động hiện tại?
 Như bạn có thể thấy, hàng may sẵn và hàng may đó khác nhau. Một số người, đa số là giới trẻ, chuộng hàng ngoại và loại có thương hiệu nổi tiếng. Nhiều người văn phòng thích may đo mặc cho chuẩn. Họ không cần thiết phải thương hiệu này thương hiệu kia.
 Có 7 thông số trong may đo dài, vai, tay, ngực, eo, mông, cổ. Và để 7 thông số này chuẩn, không phải điều đơn giản. Hàng may sẵn có khi là đúng số này nhưng lại không đúng số đo khác.
Những tiệm may trụ được ở Sài Gòn không phải đơn giản. Thời những năm 1990, con đường Lê Văn Sỹ toàn tiệm may, ít shop lắm. Shop chưa có đồ nhập từ Hongkong, Đài Loan, Mỹ… Thời gian sau, shop hoạt động nhiều và được giới trẻ ưa chuộng. Giờ nhiều sự lựa chọn. Khách may đồ còn lại hiện giờ đa số khó tính nên chất lượng rất quan trọng để giữ chân khách.
Ông chia sẻ bí quyết gì để BEN trụ được trong suốt 3 thập kỷ qua và  phát triển tốt?
 Thứ nhất, phải yêu nghề. Muốn trụ được là phải yêu nghề. Những người bán phở, làm may hay những nghề khác đều cần yếu tố này. Phải yêu thì mới tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu. Thời trang là ngành chạy liên tục, không dừng lại giống như những nghề khác nên phải cập nhật, bám sát xu hướng thời trang.
Thứ nữa, tôi được tiếp cận ngành may mà thời đó ảnh hưởng nhiều của văn hóa, phong cách Pháp. Họ may rất tỉ mỉ và tôi được học từ họ.
Nguồn: cafeland.vn
Bài khác