Còn độc thân, hãy tranh thủ tiết kiệm đi!
Chỉnh đốn lại tư duy
Cơm áo gạo tiền là vấn đề mà bất kì ai cũng phải tính đến. Nhưng khi sống một mình, nhu cầu bản thân có thể được đáp ứng dễ dàng và đơn giản nên ít người nghĩ đến chuyện tiết kiệm để lo cho những kế hoạch dài hơi như đầu tư hay xây dựng gia đình. Để bắt đầu tiết kiệm, bạn cần thực sự nghiêm túc suy nghĩ về mục tiêu tiết kiệm. Sau đó bạn mới có đủ động lực để đặt ra kế hoạch tiết kiệm hàng tháng. Số tiền tiết kiệm ban đầu không nên quá lớn và có kế hoạch cụ thể: Tiết kiệm trong bao lâu? Tiết kiệm mỗi ngày/ mỗi tuần… bao nhiêu?
Những người hay nói bông đùa về chuyện đề dành tiền, hoặc cho rằng, “tiết kiệm chẳng đi đến đâu” sẽ chẳng bao giờ có được một khoản dự phòng thực sự. Đừng đợi đến khi đã có gia đình, con cái hoặc những lúc “khủng hoảng” về tiền bạc, mới ôm đầu ước “giá như nghĩ đến chuyện tiết kiệm sớm hơn…”
Đặt mục tiêu tiết kiệm
Bạn đang đi học và chẳng có nguồn thu nào khác ngoài số tiền bố mẹ cho hằng tháng? Bạn đang đi làm, và lương tháng còn khiêm tốn? Hoặc lương bạn cũng kha khá nhưng lại luôn bị đeo đẳng bởi những khoản chi cho món đồ công nghệ liên tục nâng đời; hay những chuyến du lịch cùng bè bạn? Rõ ràng, bạn luôn có lí do để không hoặc ngưng tiết kiệm; thậm chí là lý do để sẵn sàng tiêu hết veo số tiền tiết kiệm mà ta mới bắt đầu để ra được một thời gian ngắn. Nguyên nhân là vì bạn chưa có một mục tiêu đủ quan trọng. Hãy tìm xem đâu là điều quan trọng trong cuộc sống của bạn, và gắn mục tiêu tiết kiệm vào điều đó để có thêm động lực.
Cố gắng thanh toán các khoản nợ đúng hạn
Nếu còn mang nợ, bạn sẽ chẳng bao giờ tiết kiệm được. Vì vậy, trước khi nghĩ đến tiết kiệm, bạn hãy nghĩ ngay tới việc tiêu diệt các khoản nợ – nếu có: Nợ thẻ tín dụng; nợ do mua sắm trả góp; các khoản nợ vặt vãnh của bạn bè… Đặt ra nguyên tắc không chi tiêu cho một món hàng nếu không đủ khả năng. Đây sẽ là tiền đề để bạn “làm sạch” đời sống tài chính của mình. Mỗi khi muốn vay, hãy nghĩ tới mục tiêu tiết kiệm của mình.
Theo đuổi lối sống tối giản
Nếu như giới trẻ Nhật thích thú theo đuổi trao lưu sống tối giản (Danshari), thì bạn cũng có thể tham khảo lối sống này, theo cách của bạn. Với người độc thân, chưa bao giờ cuộc sống “tối giản” lại dễ dàng và thuận lợi hơn.
Không cần “tối giản” một cách cực đoan, thay vào đó là sự giản lược những nhu cầu về vật chất trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Điều đó không chỉ giúp bạn giảm chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả mà còn rất hữu ích cho chính bạn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Hãy theo dõi các khoản mua sắm hàng tháng, đánh dấu những món đồ thiết yếu và loại bỏ những món không có cũng chẳng sao. Theo dõi số tiền bạn tiết kiệm được khi cắt giảm chi tiêu theo cách trên để lấy thêm động lực khi trông thấy những con số đáng kế mà bạn đã giữ lại được.
Nguồn: namplus